“Thật đau lòng, tai nạn tại góc đường Beach và Madison, Westminster, chỉ cách nhà tôi một phút lái xe lại xảy ra với em trai tôi là Linh Mục Trương Văn Khoa, quản xứ Thánh Linh ở Ban Mê Thuột, Việt Nam. Phải đến Thứ Năm tôi mới biết xác em mình ở đâu để đến nhận.”
Ông Trương Văn Khanh, anh ruột của Linh Mục Trương Văn Khoa, khóc sụt sùi khi kể về tai nạn của em trai mình với phóng viên nhật báo Người Việt tại gia đình trên đường Monroe, Midway City.
Linh Mục Trương Văn Khoa (phải) tiếp Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, khâm sứ Tòa Thánh Vatican, tại giáo xứ Buôn Hô, Ban Mê Thuột, năm 2011. (Hình: giaoxugiaohovietnam.com)
Tai nạn xảy ra lúc 11 giờ 17 phút sáng Thứ Hai, 2 Tháng Giêng, làm Linh Mục Trương Văn Khoa thiệt mạng tại chỗ, còn người chở là bà Hứa Thị Kim qua đời khi được đưa đến bệnh viện.
Lần cuối hai anh em ở với nhau lâu nhất
Ông Khanh cho biết linh mục vừa sang Hoa Kỳ từ ngày 19 Tháng Mười để trị bệnh theo sự cho phép của Giám Mục Nguyễn Văn Bản, giám mục Giáo Phận Ban Mê Thuột, Việt Nam.
“Em tôi sang đây gấp lắm, vì lúc đó huyết áp đã lên gần 200/90 nên sợ đột quỵ, sang đến đây thì đức cha mới gửi văn thư qua sau, để chứng minh em tôi đi có sự cho phép của bề trên,” ông nói.
“Em tôi bị nhiều bệnh lắm, ngoài cao huyết áp và bệnh tim còn bị bệnh vảy nến. Những bệnh này thất thường quá nên phải sang đây để trị bệnh. Tôi chuẩn bị đầu năm nay mua bảo hiểm để trị bệnh cho em nhưng chưa kịp làm thì xảy ra chuyện,” ông xúc động kể.
Ông cho hay: “Duy nhất lần này, hơn hai tháng em sang đây trị bệnh thì đây mới là thời gian hai anh em tôi sống dài với nhau nhất, nói chuyện được với nhau nhiều nhất. Bởi vì em tôi xa gia đình từ lúc 11 tuổi, vào học tại Tiểu Chủng Viện Phaolô Lê Bảo Tịnh, Ban Mê Thuột, từ năm 1969.”
Theo ông Khanh, khi từ Việt Nam sang được vài ngày thì Linh Mục Trương Văn Khoa có ước muốn hằng ngày tới Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Santa Ana, dâng Thánh Lễ, vì: “Làm chức năng linh mục mà một ngày không làm Thánh Lễ thì trong lòng thấy áy náy, nên dù bệnh tật mà còn đi được thì em vẫn đến để chắp tay làm lễ, chắp tay dâng Thánh Lễ là được.”
“Mỗi ngày thì gần 8 giờ sáng, con gái tôi chở em đến Trung Tâm Công Giáo, và gần 10 giờ sáng thì tôi đến đón em về. Tuy nhiên, visa của em đến Tháng Tư thì hết hạn nên em dự trù sẽ sang New York để gặp lại linh mục viết thư mời em sang đây để nói cha viết thêm giấy tờ để gia hạn, bởi vì bệnh đang triều trị rất tốt, nên sợ rằng phải về Việt Nam thì khó xin qua để chữa trị,” ông kể.
“Vì biết em tôi sắp đi xa nên một số giáo dân quý mến đã mời em tôi đi ăn sáng, xưng tội riêng… Sáng Thứ Hai, 2 Tháng Giêng, em có nói là tôi không phải đến đón vì em sẽ đi với giáo dân và đến nhà một người để làm phép rửa tội. Tới khoảng 5 giờ chiều thì anh Long, một người phục vụ ở Trung Tâm Công Giáo, tới nhà tìm và hỏi em về nhà chưa, thì mới ra cớ sự,” ông kể tiếp.
Tuy nhiên, cả ông và ông Long cũng không biết Linh Mục Trương Văn Khoa bị tai nạn, mà hai người đi vòng vòng tìm.
Từ trái, ông Vũ Văn Thọ, Linh Mục Phạm Ngọc Hùng, ông Trương Văn Khanh và vợ. (Hình: Willisam Nguyễn)
“Thật sự chúng tôi cũng không biết đi đâu tìm thì bất ngờ tôi nhận được điện thoại của em trai út tôi ở Boston, Massachusetts, báo rằng Khoa đã chết do tai nạn giao thông. Bàng hoàng, tôi không tin là tai nạn chỉ cách nhà mình chừng một phút lái xe thôi!” ông đau đớn kể.
“Cảnh sát Westminster gọi qua Boston vì đó là số điện thoại gần nhất mà em tôi gọi. Số là mấy ngày trước em tôi muốn gọi điện thoại cho một người quen thân ở tiểu bang New Hampshire nhưng không được, rồi em tôi mới gọi cho em út ở Boston để nói là muốn gặp gia đình anh Tuấn để khi qua thì thăm viếng họ luôn. Chính anh Tuấn là người nhận được điện thoại của cảnh sát và anh chuyển lại cho em út tôi,” ông nói thêm.
Sẽ mang thi hài về Việt Nam
Đau đớn. Bàng hoàng. Đột ngột. Chân muốn khuỵu. Huyết áp tăng… là những diễn tiến chỉ trong thời gian ngắn mà gia đình ông Trương Văn Khanh gánh chịu kể từ sau 5 giờ chiều ngày 2 Tháng Giêng.
“Suốt cả đêm tôi không ngủ được vì không biết giờ xác của em tôi đang ở đâu. Sớm nhất thì phải đến chiều Thứ Năm tôi mới có thể nhận xác em mình. Thời điểm đó tôi không biết khi nhận xác em về thì sẽ ra sao. Bởi vì trong gia đình người thì muốn đưa về, người thì muốn hỏa táng. Lý do là nếu đưa thi hài về thì phải để lại nội tạng, mà tâm lý người Việt Nam thì muốn đưa trọn vẹn. Còn nếu hỏa táng thì mất đi hình hài trọn vẹn, nhưng tất cả mọi thứ thì được mang về,” ông cho biết.
Xin Chúa xót thương linh hồn người tôi tớ Chúa.
Trả lờiXóa