Đời người là những chuyến đi..! *** Bố tôi luôn nói với tôi như vậy! Cả 1 tuổi thơ tôi luôn phải nghe ông, ông luôn bắt chúng tôi (anh tôi và tôi) phải như thế này phải như thế kia . Từ việc ông ép chúng tôi phải bỏ học cấp 2 ở trường quê với những người bạn để chạy theo cái gọi là trường huyện để rồi cuối cùng những ngày tháng tôi học cấp 2, những bữa cơm gia đình đầy áp lực, luôn là những câu chê bai, những lời nhắc nhở chúng tôi vì thành tích học kém, tôi còn đỡ nhưng anh tôi thật khó khăn. Những lúc đó tôi chỉ mong ông không phải bố tôi – 1 ông giáo có tiếng của huyện!
Giờ nhớ lại những bữa cơm ấy thật khó khăn nhưng khi ngồi cách nhà 300km, mệt mỏi với con đường đại học… Khi chúng ta lớn mọi thứ suy nghĩ sẽ khác đi nhưng cũng là lúc chúng ta hiểu từ giá mà không thể quay lại … Khi tôi học cấp 3, ông đem tôi đến trường mà ông dạy, mọi thứ càng trở nên tệ, chẳng hiểu sao tôi – chỉ số IQ trung bình lại đạt điểm max môn toán (trúng tủ) cả trường tưởng tôi ngon lắm. Nhưng học vài hôm họ cũng nhận ra tôi thật sự bình thường. Nhưng bù lại ở đây tôi lại có những người bạn thật vui, những mối tình cấp 3 nhẹ nhàng và cũng rất trẻ con (bố tôi biết hết)… Nó thật tươi đẹp nhẹ nhàng như dấu gạch nói giữa cái ngờ nghệch trẻ con và cái vụng về của “khi ta lớn”.
Ấy vậy mà đùng một cái ông chuyển trường về làm hiệu trưởng của trường gần nhà và lại cái câu: “cuộc đời là những chuyến đi”. Như 1 cơn gió cuốn phăng cả bạn bè, tình yêu tươi đẹp của tôi, những ngày đầu thật khó khăn với “tiểu hoàng tử” mọi người sợ tôi hay đúng hơn là bố. Trong mắt nhiều người tôi khó ưa, thật sự để hoà nhập với tôi khó khăn, lại một lần nữa tôi ước giá mà… . Nhưng cuộc vui rồi cũng tàn-đúng ngày ông kết thúc học kì ông bị xuất huyết não. Tất cả sụp đổ đó là những ngày khó khăn với tôi, ông không bên cạnh, tôi sắp thi đại học, tình tan vỡ. Tôi vẫn nhớ ngày tôi xuống thăm ông, mắt ông vẫn mở nước mắt chảy dài khi thấy tôi, ông chẳng thể nói, mẹ tôi phải cho ông ăn xông. Lần đấy lại là lần tôi khóc… nước mắt lâu rồi mới chảy. Rồi khi ông khá hơn bước đi được, nói được dù ít ai hiểu ông nói gì. Ông lại đòi về nhà, con trai của ông sắp thi ông phải về … Ông về vài hôm, đang đêm ông lên cơn động kinh mẹ tôi lo sợ bà chỉ biết khóc lóc, vài kẻ đến xem ông chết hay không vì ghế hiệu trưởng còn trống… tôi lặng lẽ đứng khóc (yếu đuối quá). Rồi ông nghỉ làm hiệu trưởng thật, con người lừng lẫy của giáo dục, nổi tiếng giờ ngồi đây với thân hình co quắp, miệng không nói, sinh hoạt nhờ vợ con. Tôi biết ông buồn lắm…
Có những đêm bố lên cơn co giật tôi không ở nhà, tôi biết mẹ sợ lắm. Có những đêm tôi ở nhà nửa đêm ông còn bật dậy khó khăn lê từng bước bảo tôi mở mạng cho ông xem điểm con trai cả của ông, ông sợ nó bị đuổi ông ôm yếu thế này liệu có lo cho nó. Có những buổi chiều ông ngồi nhìn đám học sinh đi về, ngồi nhìn thế thôi liệu học sinh còn nhớ thầy? Rồi cứ ngày này qua ngày khác tôi vẫn thấy đấy cái dáng co quắp ấy lê từng bước tập đi, vẫn như xưa: “không ai cho không chúng ta cái gì con ạ”.
Cuộc đời thật buồn phải không bố? Con vẫn nhớ ngày xưa con với bố thật khó nói chuyện, bố đi cả ngày từ sang tới tối mịt, những ngày lạnh bố mặc cái áo bạt, lúc đó con hay nói bố giông nhân vật trong phim con thích và bố cười hỏi lại: giống đúng không? Bây giờ vẫn thế bố ạ! Bố là nhân vật tuyệt vời nhất con từng thấy. Ngày nhỏ con hay hỏi, lúc nào cũng là bố trả lời khi khó bố thường nói: “sau này lớn con học sẽ biết”. Giờ nhiều cái con biết hơn cả bố rồi, bố ạ. Nhưng còn nhiều thứ bố biết hơn con lắm. Con vẫn sẽ nhớ cái xe dream, cái lưng áo bạt mà ngày nhỏ với con thật lớn ấy, nhớ cả lần duy nhất bố đánh con, nhớ cả những thứ bố dạy con về cách đối nhân xử thế mà có lẽ phải vài năm nữa con mới hiểu hết. Nếu được chon lại con chỉ chọn bố thôi, Giá mà… … …
Ôi ông bố của tôi
Trả lờiXóa